HomeChăm Sóc

Trẻ sơ sinh nằm ngủ võng có tốt không?

Like Tweet Pin it Share Share Email

Hình ảnh chiếc võng đã không còn xa lạ gì đối với người dân trên mọi miền của Việt Nam chúng ta. Người lớn đi làm về ngả lưng một chút trên võng đung đưa cho mát, buổi tối nằm coi ti vi trên võng cũng thú vị, mẹ ôm con cùng nằm võng vừa ru vừa đưa chân,… và các mẹ cũng thường cho trẻ ngủ trên võng, cũng như thay thế cho nôi vậy thôi. Nhưng việc trẻ sơ sinh nằm ngủ võng có tốt không thì không chắc là ai cũng biết câu trả lời. Hôm nay Mẹ Ku Rô sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về vấn đề này thử xem nhé.

Tin liên quan :

Vì sao đa phần trẻ lại thích nằm ngủ võng?

Người lớn chúng ta cũng phải thừa nhận rằng nằm ngủ võng rất là mát, đặc biệt là vào mùa hè, khi mà không khí oi bức, được nằm ru ru trên võng bên dưới chiếc quạt điện (ở quê thì mình hay cột võng ngoài hiên hoặc góc hè để có khí trời cho mát) thì không còn gì “sướng” bằng.

Vậy nên, các  bé cũng rất dễ chịu khi năm ngủ võng, giấc ngủ đến dễ dàng hơn, êm ái hơn và bé sẽ ngủ thật sâu. Nhất là những loại võng mắc lưới giúp cho không khí dưới lưng bé được thông thoáng, cộng với những nhịp đưa của võng sẽ khiến cảm giác càng thêm thích thú.

Khi trẻ quấy khóc, chỉ cần đặt vào chiếc võng quen thuộc và ru thì trẻ sẽ dịu cơn hờn dỗi ngay, thậm chí có nhiều trẻ còn thích được đưa võng thật mạnh, chúng sẽ cười sặc sụa khi được ru như vậy, các ông bố bà mẹ hoặc ông bà thì tỏ ra vui vẻ khi thấy trẻ thích thú.

Trẻ sơ sinh nằm ngủ võng có hại hay có lợi?

Các chuyên gia sức khỏe khoa nhi đã nói rằng việc cho trẻ sơ sinh nằm ngủ võng thì “lợi bất cập hại” vì những nguyên nhân sau:

Cơ thể của trẻ sơ sinh còn yếu, khung xương chưa được chắc chắn nên dễ bị tổn thương, nếu nằm ngủ võng nhiều lần sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị cong vẹo cột sống, những biểu hiện ban đầu có thể là mỏi lưng, mỏi gối và khó chịu, sự phát triển thể chất của bé cũng bị hạn chế.

Những trẻ ngủ võng thường có nguy cơ bị mắc tay, chân hoặc quần áo vào các mắc võng, khiến cho bé khóc chịu. Nguy hiểm hơn nữa, có trường hợp bé bị kẹt tay chân dưới võng khiến cho máu bị ứ  lại, nhẹ thì bị tê, nặng thì tay bị thắt lại gây hoại tử.

Bị ru lắc mạnh và thường xuyên, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như mệt mỏi, ức chế thần kinh, hay giật mình khóc thét, bệnh viêm màng não,… Tổn thương nặng hơn khiến trẻ bị chậm phát triển năng lực trí tuệ, giảm thị lực, chậm hình thành nhận thức,…

Lồng ngực của trẻ sẽ bị ép lại khi nằm ngủ võng, sự chèn ép làm cho trẻ bị khó thở, không những vậy còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho hoạt động và chức năng của các cơ quan như tim và phổi. Các bệnh đường hô hấp cũng từ đó mà nảy sinh như ho, viêm họng, viêm phế quản,…

Các nghiên cứu cho thấy trẻ nằm ngủ võng nhiều khó hình thành các động tác trườn, bò, đi, chạy, cầm, nắm do bị ảnh hưởng hệ thần kinh vận động. Trẻ thường kém linh hoạt trong khả năng tiếp thu, nhận thức và hành động, có thể nói đây là  tác hại rất đáng lo ngại cho trẻ.

Việc nằm yên trên võng ngày này qua ngày khác khiến cho trẻ dễ bị tụ máu ở một điểm và không thể điều hòa máu huyết đều đặn. Kết quả là việc hình thành và phát triển cơ bắp bị giảm sút. Cơ bắp nên được vận động thường xuyên kể cả lúc ngủ, chẳng hạn như trẻ co duỗi thoải mái.

Mách các mẹ vài chiêu để hạn chế tác hại của việc cho bé yêu nằm ngủ võng

Bạn hãy thử tập cho bé thói quen ngủ giường và khi con khóc đòi nằm võng thì cũng không nên đáp ứng, dần dần trẻ sẽ quen với nơi ngủ mới và ngủ ngon hơn.

Nếu cách đó khó khăn đối với bé nhà bạn thì thử thay võng bằng nôi tự động xem sao, nó vẫn đem lại cho trẻ cảm giác được đu đưa nhưng an toàn hơn nhiều.

Có thể dùng xe đẩy thay cho võng vì nó có phần chắn hai bên rất an toàn cho trẻ, giảm nguy cơ bị giật mình lúc ngủ, lại vừa tiện cho việc trông coi của bố mẹ

Nếu vẫn tiếp tục cho trẻ ngủ võng, các bố mẹ hãy dùng 2 thanh gỗ dài bằng chiều rộng của võng, cố định hai bên đầu võng sao cho khi bé nằm vào thì lọt thỏm xuống, không lo bị té khi ngủ say. Hoặc nếu có thời gian, người lớn nên nằm cùng và để bé nằm trên người, nhưng không nên quá lâu. Có thể đặt trẻ lên giường khi chúng đã ngủ say, như vậy bố mẹ sẽ yên tâm hơn là tiếp tục để trẻ ngủ trên võng.

Lót một tấm chiếu nhỏ dưới lưng hoặc để trẻ nằm chéo so với chiều võng để lưng được nâng đỡ tốt nhất. Không đu đưa võng quá mạnh để ảnh hưởng đến hệ thần kinh, não bộ và tâm lý trẻ. Nếu trẻ đã thiu thiu ngủ thì nên ngừng đưa võng.

Dù trẻ ngủ trên võng thì bố mẹ cũng nên bỏ rem mỏng hoặc mùng để tránh việc con bị muỗi cắn. Mình thấy có một số trường hợp các mẹ “bỏ quên” con trong võng, đến khi ẵm con ra khỏi võng thì trên người bé chi chít những vết muỗi cắn, nguy hiểm lắm.

Mẹ Rô khuyên các mẹ một điều là nên hạn chế cho trẻ nằm võng  mặc dù con rất thích. Nếu có cho ngủ võng thì chỉ nên trong một thời gian ngắn, có thể  là một giấc ngủ trưa thôi nhưng bố mẹ hoặc người lớn phải thường xuyên dòm qua để kịp thời thay đổi tư thế cho trẻ, gỡ tay hoặc những chỗ khác bị mắc kẹt dưới mắc võng hay bị đè dưới lưng trẻ.

Nhà nào có trẻ còn quá nhỏ, dưới 3 tháng tuổi thì không nên cho bé nằm ngủ võng các mẹ nhé. Cảm ơn các mẹ đã quan tâm bài viết Trẻ sơ sinh nằm võng có tốt không Chúc các mẹ nuôi con khỏe.

Xem thêm :

5 (100%) 1 vote

Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *