Trong suốt thời gian phát triển của trẻ sơ sinh đều phải trải qua giai đoạn mọc răng. Giai đoạn này có thể nói là vô cùng khó khăn cho cả mẹ và bé, khi bé phải đối diện với cảm giác đau nhức, khó chịu, thậm chí là sốt cao, tiêu chảy. Vậy khi trẻ sốt mọc răng phải làm sao? Nên uống thuốc gì cho mau khỏi? Chúng ta cùng giải đáp qua bài viết dưới đây nhé.
Trẻ bắt đầu mọc răng từ khi nào?
Lúc bắt đầu chào đời, trẻ sơ sinh chưa hề có răng trong miệng, qua quá trình phát triển trung bình đến tháng thứ 6 thì trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên. Sau 12 tháng bắt đầu mọc khoảng 6 răng và đến 24 tháng trẻ sẽ có đầy đủ một hàm răng sữa gồm 20 chiếc.
Tùy theo thể chất của mỗi trẻ mà thời gian mọc răng cũng khác nhau. Một số bé 4 đến 5 tháng có thể đã mọc răng nhưng cũng có bé đến khoảng 1 tuổi mới mọc.
Tuy nhiên, các mẹ cũng đừng lo lắng quá khi thấy các bé khác mọc răng sớm trong khi con mình chưa mọc. Bởi chỉ cần trẻ mọc răng trong vòng 1 năm đầu đời thì không có gì phải đáng lo ngại.
Khi bé có dấu hiệu mọc răng kèm sốt, thông thường tình trạng này sẽ kéo dài từ 2 – 3 ngày thì răng sẽ bắt đầu nhú lên và giảm hẳn.
Các triệu chứng của sốt khi mọc răng ở trẻ
Thân nhiệt của trẻ sốt khi mọc răng sẽ ở mức từ 38 -39 độ C, cũng có một số trường hợp sốt cao do tiến triển của bệnh nặng hơn gây viêm quanh thân răng hoặc áp xe quanh tân răng.
Phần lớn trẻ sốt trong quá trình mọc răng là do viêm lợi, kèm theo những triệu chứng sau:
– Khi mọc răng bạn sẽ thấy bé thường xuyên quấy khóc, ít ngủ, khó chịu, bứt rứt trong người.
– Bé chảy nước dãi liên tục kèm với việc hay vớ cái gì đó hoặc tay vào miệng để cắn. Những triệu chứng này thường xảy ra trước khi răng nhú lên 3 – 5 ngày.
– Nướu của bé có thể bị sưng đỏ làm bé ngứa ngấy khó chịu tại nơi răng chuẩn bị nhú lên. Ngoài ra, nướu cũng có thể nứt ra gây nhễm trùng vùng răng miệng bé, khiến bé quấy khóc nhiều hơn, ăn uống kém và dẫn đến tình trạng sụt cân.
– Sốt nhẹ, đau lợi khi mọc răng là hiện tượng thường hay bắt gặp ở trẻ bắt đầu mọc răng. Để giảm bớt tình trạng này các mẹ cần tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc bé khi mọc răng sao cho đúng cách.
Bố mẹ phải làm gì khi trẻ sốt mọc răng?
Khi thấy bé có biểu hiện nóng, các mẹ hãy cặp nhiệt cho bé, nếu nhiệt độ ở gần 38 độ C là bé sốt vừa, nếu trên 38 độ C là bé sốt cao, cần nhanh chóng đưa đi khám gấp. Bởi nếu để lâu bé sốt gần 39 độ C có thể kéo theo dấu hiệu bị co giật toàn thân, thiếu oxy não, tổn thương các tế bào thần kinh khi bé bị hôn mê, nguy hiểm nhất có thể là tử vong.
Với những bé lớn hơn, nên cho bé uống nhiều nước lọc, hoặc pha sữa bình loãng hơn bình thường cho bé. Trường hợp bé không uống được nước, các mẹ có thể dùng tăm bông sạch chấm nước vào môi, miệng bé để bé không bị khô môi và tránh được tình trạng mất nước.
Nếu gặp tình trạng bé bị sốt cao, co giật, mẹ hãy lấy khăn mềm, nhỏ, gấp lại rồi kẹp vào miệng bé để đề phòng bé cắn vào lưỡi, rồi đưa ngay đến phòng khám.
Đối với những trường hợp sốt nhẹ hơn, mẹ có thể lau mát cho bé bằng nước ấm, không được quá lạnh hay quá nóng, tăng cường cho bé bú nhiều hơn. Nếu bé bú không được, mẹ có thể vắt sữa cho bé uống bằng thìa.
Khi bé sốt mọc răng nên cho uống thuốc gì?
Nếu bé sốt từ 38,5 độ C trở lên, bạn có thể dùng Paracetamol để hạ sốt, với liều lượng dùng từ 10 – 15 mg cho một kg cân nặng, việc này được lặp lại cứ cách 4 giờ/ lần. Nếu bé sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc. Có thể lau mát hạ sốt cho bé bằng nước ấm như chúng tôi đã hướng dẫn ở trên.
Nếu bé trên 6 tháng tuổi sốt trên 39 độ C, bạn có thể cho trẻ sử dụng thuốc Acetaminophen (Tylenol), cứ 4 – 6 giờ/ lần hoặc thuốc Ibuprofen (Advil, Motrin), cứ cách 6 – 8 giờ/ liều theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Các mẹ cũng cần lưu ý tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi vì sẽ làm tăng nguy cơ bị hội chứng Reye, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Đồng thời, tránh xa các loại thuốc có chứa Belladonna và gel bôi chứa Benzocaine bởi chúng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm với trẻ em.
Một số lưu ý khi chăm sóc bé sốt mọc răng bố mẹ cần biết
Khi chăm sóc trẻ mọc răng các mẹ cần lưu ý vệ sinh thân thể cho trẻ cũng như đồ chơi luôn sạch sẽ, bởi khi trẻ ngứa lợi thường tìm vật cho vào miệng để cắn, điều này sẽ đảm bảo trẻ không bị bất cứ vi khuẩn gì xâm nhập vào cơ thể được. Đối với răng miệng của trẻ, nên dùng một miếng gạc hoặc vải mềm để thấm lau răng và nứu, nên cho trẻ uống nước lọc sau khi ăn hoặc bú.
Không được để các vật có các đầu nhọn, các vật nguy hiểm ở cạnh trẻ vì ở giai đoạn này trẻ bị ngứa lợi nên rất thích cắn, những vật như vậy có thể gây rách lợi, đau cho trẻ. Bên cạnh đó để giải quyết tình trạng sốt ở trẻ khi mọc răng, có một số mẹ có suy nghĩ chườm đá lạnh sẽ khiến trẻ nhanh hạ sốt hơn, nhưng đây là quan niệm sai lầm, đá lạnh chỉ làm trẻ khó chịu hơn, thậm chí có thể gây viêm họng cho trẻ chứ không hề làm giảm.
Các mẹ nên lưu ý khi trẻ mọc răng nếu tình trạng sốt kéo dài kèm tiêu chảy quá lâu, hay bị nôn mửa cần đưa ngay đến bác sĩ ngay để được hỗ trợ điều trị sớm nhất.
Nếu bé đi đại tiện nhiều lần trong ngày kèm phân sệt nhưng lượng phân và lượng nước ra ít thì không cần phải cho uống bù nước cứ cho bé ăn uống bình thường. Nếu phân nhiều nước hoặc bé đi quá nhiều lần thì nên đưa đến Bác sĩ.
Mách mẹ các mẹo giảm đau khi bé mọc răng
Khi bé mọc răng vẫn có một số mẹo nhỏ thú vị để giảm đi những tình trạng mệt mỏi, quấy khóc ở trẻ mà không phải mẹ nào cũng nắm rõ. Vậy nên trong bài viết hôm nay chúng tôi sẽ mách hết cho các mẹ biết nhé.
– Các mẹ có thể cho con tắm bằng nước ấm, cho bé ngâm mình trong bồn tắm, nhẹ nhàng mát xa cho con, các mẹ cũng có thể thả vào đó một vài đồ chơi con thích để con cảm thấy thích hơn. Với cách làm này sẽ giúp con quên đi những cơn đau.
– Hãy làm lạnh đồ chơi của bé hoặc đem làm ướt khăn sạch rồi ướp lạnh. Bởi vì khi đưa đồ chơi đã được ướp lạnh từ trước cho bé sẽ có tác dụng như thuốc tê đối với bé. Cũng như chiếc khăn khi bị ướp lạnh, lớp vải bông mềm khi bị đông cứng có vẻ thích hợp để chườm cho bé, hoặc giúp cơn đau mọc răng của bé dịu bớt đi.
Tuy nhiên, mẹ cần kiểm tra kĩ hướng dẫn sử dụng của những món đồ chơi này, vì có 1 số món được khuyến cáo là không được làm lạnh.
– Trong quá trình bé mọc răng, bé vẫn còn đang bú mẹ nhưng lúc này con sẽ không thèm ngó ngàng gì đến việc bú mà ngược lại hoạt động con ngậm núm ti chỉ là để cắn, điều này sẽ khiến mẹ thêm đau. Vậy nên mẹ hãy đổ nước lạnh vào bình sữa của con để bé muốn làm gì thì làm với núm ti giả đó. Việc ngậm núm ti lạnh đó có thể làm dịu bớt sự khó chịu và những cơn đau. Mẹ cũng yên tâm là bé sẽ không uống vào quá nhiều nước đâu.
– Các mẹ cũng có thể cho vào chiếc túi lưới 1 phần chuối làm lạnh, hoặc trái cây mềm nào đó để bé gặm. Mùi vị thơm ngọt của trái cây lạnh vừa khiến bé thích thú lại khiến con quên đi sự khó chịu vì những chiếc răng đang cố gắng nhú ra.
Bé sốt do mọc răng chỉ diễn ra trong vòng vài ngày. Nếu bé bị sốt cao liên tục, nôn mửa có thể bé bị một bệnh khác chứ không phải do mọc răng các mẹ nhé. Bây giờ thì bạn đã biết thêm trẻ sốt mọc răng phải làm sao và uống thuốc gì mau khỏi rồi nhé.