HomeChăm Sóc

Trẻ sơ sinh có nên cho uống nước không? Nên xem đừng tin lời ông bà

Like Tweet Pin it Share Share Email

Chăm trẻ sơ sinh luôn là vấn đề quan trọng nhất đối với các mẹ. Có chăm sóc đúng cách thì trẻ mới có thể phát triển bình thường được. Hầu hết các mẹ trẻ vẫn luôn băn khoăn là không biết có nên cho con mình uống nước khi nó còn quá nhỏ không. Bởi nhiều bố mẹ thường bị ông bà chi phối, can thiệp vào quá trình chăm cháu mà không biết bên nào đúng, bên nào sai. Mẹ Rô sẽ cung cấp một số điều giúp các mẹ biết trẻ sơ sinh có nên cho uống nước không.

tre-so-sinh-co-nen-cho-uong-nuoc-khong
Trẻ sơ sinh có nên cho uống nước không?

Trẻ sơ sinh có nên cho uống nước không?

Khi mới sinh xong, các mẹ đã được bác sĩ dặn là không cần cho trẻ uống nước. Nhưng một phần vì lo lắng cho con và vì các ông bà vẫn luôn hối thúc cho trẻ uống nước nên mẹ sẽ cảm thấy rất bối rối.

Nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể con người. Khi cơ thể mất nước, nhất là ở trẻ, thì sẽ gây ra rất nhiều vấn đề quan trọng. Ở trẻ sơ sinh, chức năng của thận vẫn chưa được hoàn thiện, nên khi cơ thể được bổ sung quá nhiều nước thận sẽ không làm việc kịp, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Trong sữa mẹ hay sữa ngoài đều có chứa tới 88% là nước. Nên khi trẻ sơ sinh (khoảng 6 tháng tuổi trở lại) vẫn còn bú mẹ thì không cần cho uống nước, điều này sẽ giúp thận hay nói chung là sức khỏe của bé luôn ở trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp bé cần bù đắp chất điện giải, vitamin hay uống thuốc thì vẫn có thể uống nước.

Một số ông bà còn khuyến khích bố mẹ cho trẻ uống nước đường vì lý do riêng  mà họ quan niệm xưa nay. Nhưng các mẹ cần tỉnh táo nhé. Cho bé sơ sinh uống nước đường là một hành động lợi bất cập hại. Nếu bổ sung lượng đường sớm, trẻ dễ bị tăng bilirubin, mắc chứng nhiễm độc nước tiềm ẩn. Ngoài ra, bé cũng sẽ bị giảm cân, ảnh hưởng đến tần suất bú mẹ.

Vì sao không nên cho trẻ sơ sinh uống nước?

Ông bà vẫn luôn nhắc mẹ cho bé uống nước sau khi bú, gọi là “tráng miệng”. Bảo “đừng có mà khoa học quá, ngày xưa bố mẹ vẫn cho tụi bây uống rồi vẫn khỏe mạnh đấy thôi”. Mặc dù không dám cho con uống nhưng mẹ vẫn chưa có lí do chính đáng để nói với ông bà.

Và đây là một số lí do cụ thể giúp mẹ hiểu hơn vể vấn để khá nan giải này để giải thích với ông bà của bé:

– Lí do thứ nhất, như đã nói, chức năng thận của bé vẫn chưa hoàn chỉnh nên khi uống nước, lượng nước sẽ dư ra làm thận bé nhanh chóng yếu đi.

– Thứ hai, trong nước sạch thì vẫn luôn tồn tại một lượng vi khuẩn nhất định, chưa kể nguồn nước mẹ đang sử dụng có thể bị ô nhiễm. Mà bụng trẻ sơ sinh thì vẫn còn yếu, nên khi cho bé uống nước sẽ tăng khả năng gây nhiễm trùng, dẫn đến tiêu chảy.

– Thứ ba, uống nước có thể làm bé mau no, nên việc bú sữa mẹ sẽ bị giảm đi đáng kể gây thiếu chất, suy dinh dưỡng dẫn đến việc chậm lớn. Không những thế, khi bé bú ít, lượng sữa của mẹ cũng sẽ tiết ra ít hơn, nên khi cần sẽ không đáp ứng đủ cho bé.

– Thứ tư, bé uống quá nhiều nước có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như co giật, thậm chí là hôn mê do bị ngộ độc. Nhưng đây chỉ là những trường hợp hiếm thấy.

– Thứ năm, uống nước quá nhiều sẽ có nguy cơ làm loãng máu và nồng độ natri trong cơ thể, điều này sẽ gây phù các mô ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bé. Nghiêm trọng hơn có thể làm giảm chức năng não, trí nhớ và tư duy sẽ bị kém đi.

Vậy nên mẹ nhớ cân nhắc kĩ trước khi cho bé uống nước để đảm bảo sức khỏe bé luôn được tốt nhất nhé.

Khi trời nóng, hay khi bị bệnh thì bé có được uống nước không?

Khi trời nắng nóng, ông bà hay bảo mẹ cho bé uống nước vì sợ bé khát, thiếu nước, khô người. Mẹ vẫn còn ngần ngại vì lí do trên? Lúc này thì đúng là bé nên được bổ sung nước đấy các mẹ ạ.

Khi thời tiết hay cơ thể tăng nhiệt độ, có thể bé sẽ bị mất một lượng nước khá lớn. Nhưng mẹ chỉ nên cho bé uống nước khi dùng sữa ngoài (vì lượng nước trong sữa này không quá nhiều). Còn ở trẻ bú sữa mẹ thì tiếp tục cho bú chính là biện pháp để bổ sung nước tốt nhất rồi đấy. Sữa mẹ vừa là nguồn dinh dưỡng quý giá số một, vừa là nguồn cung cấp nước cho con phát triển tự nhiên và an toàn nhất.

Nhiều trường hợp bé bị các bệnh gây mất nước như tiêu chảy, đổ mồ hôi trộm, nôn tháo,… khiến các mẹ nôn nóng muốn bù nước ngay và cho trẻ uống nhiều nước. Tuy nhiên mẹ nhớ đừng nên tùy tiện cho bé uống nước ngay nhé. Vì việc đó không những không giúp được gì mà còn có thể làm tình trạng bệnh thêm phức tạp đấy.

Trong những tình huống mà mẹ không biết xử lí như thế nào thì nên đưa bé đến bác sĩ ngay để được tư vấn, giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Đừng nên tự ý giải quyết tại nhà, tránh gây hậu quả không hay mẹ nhé.

Vậy khi nào thì nên cho trẻ uống nước?

Khi bé nhà bạn lớn hơn một chút (khoảng trên 6 tháng tuổi), lúc này ngoài bú mẹ ra thì trẻ đã bắt đầu ăn dặm. Vì thế các bố mẹ có thể cho con uống nước để làm mềm chất thải, dễ đi ngoài. Hơn nữa đây cũng là thời gian mà hệ thống miễn dịch, đề kháng của bé đã khá cứng cáp, thận cũng khỏe hơn lúc trước, có thể xử lý nước tiểu dễ dàng.

Mặc dù uống được nhưng mẹ nhớ là cho con uống ít thôi nhé. Vì trong nước không có năng lượng nhưng lại làm trẻ dễ no, gây chán ăn, chậm lớn. Đặc biệt, nhiều bà mẹ khá sai lầm khi cho rằng bất cứ lúc nào trong ngày trẻ cũng cần thêm nước. Thật ra, chỉ nên cho trẻ uống một ít sau khi ăn xong hoặc khi khát thôi mẹ nhé. Lúc khát nước, bé hay quấy khóc.

Nếu bạn cho trẻ uống vài giọt mà thấy nín khóc thì có thể tiếp tục cho uống thêm một ít. Còn nếu uống hết 1 muỗng nước mà trẻ vẫn còn khóc to thì bố mẹ cần quan sát xem vấn đề gì đang xảy ra khiến con mình khó chịu. Có thể  đó là dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lý sơ sinh nào đó hoặc cơ thể bé có gì không ổn rồi.

Ngoài ra, dựa vào màu sắc của nước tiểu (đậm hay nhạt), lượng nước tiểu (ít hay nhiều), mà mẹ biết cơ thể trẻ đã đủ nước hay chưa để mà bổ sung thêm.

Những lưu ý về việc cho trẻ uống nước

Trẻ em cần được quan tâm, nâng niu từ những điều nhỏ nhất trong cách chăm của người lớn, đặc biệt là mẹ. Mẹ Rô có một số điều cần lưu ý đến các chị em, đặc biệt là những ai mới lần đầu làm mẹ nhé.

– Đối với các bé phát triển bình thường và sức khỏe ổn định thì chỉ cho trẻ uống nước sau 6 tháng tuổi.

– Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi mà mẹ thấy con mình cần nạp thêm nước thì cần có sự tư vấn từ bác sĩ nhi khoa.

– Nên cho trẻ uống nước sau bữa ăn, vì cho uống trước ăn sẽ làm bé chán ăn. Ngoài ra, khi bụng trống không, nước sẽ làm dịch vị loãng ra không tốt cho dạ dày của trẻ.

– Trước khi đi ngủ, mẹ hạn chế cho bé uống nước để tránh trường hợp bé yêu “xả lũ mất kiểm soát”, đồng thời không làm mất giấc ngủ của con nữa mẹ nhé.

– Trong 6 tháng đầu đời, ngoài sữa mẹ thì bé không nên uống bất cứ loại chất lỏng nào khác, dù là nước tinh khiết hay nước đường, nước cam,…

– Khi trẻ đến độ tuổi uống được nhiều nước, bố mẹ phải đảm bảo nước sạch, đã được đun sôi và dụng cụ uống nước của bé phải hoàn toàn được khử khuẩn.

Vậy là chúng ta có thể giải thích với ông bà ở nhà về việc trẻ sơ sinh có nên cho uống nước không một cách hợp lý rồi nhé. Các ông bà mình chắc hẳn cũng sẽ đồng ý vì sức khỏe, sự an toàn và quá trình phát triển của cháu yêu mà thôi, nên bạn cứ yên tâm mà chăm con khỏe mạnh.

Rate this post

Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *