Bé nhà bạn cứ ăn xong một lúc thì đi ngoài luôn khiến bạn lo lắng không yên không biết liệu bé có bệnh gì hay không? Đau bụng đi ngoài sau khi ăn là một hiện tượng sinh lý bình thường, tuy nhiên nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên thì có thể bé đã mắc phải một số bệnh về đường ruột rồi đấy. Vậy trẻ ăn xong thì cứ đi ngoài luôn có sao không, và mẹ phải làm gì để hạn chế tình trạng bé mới ăn xong thì đã đi ngoài luôn? Mẹ hãy theo dõi bài viết sau để có câu trả lời nhé.[content_block id=639]
Vì sao bé ăn xong lại đi ngoài luôn?
Thực tế là, ngay sau khi ăn, hệ tiêu hóa của bé sẽ được dồn máu để tiêu hóa thức ăn nên nhu động ruột sẽ tăng khiến đại tràng co bóp để đẩy khối thức ăn có trong đường ruột ra ngoài, nên có cảm giác muốn đi ngoài cũng là chuyện dễ hiểu.
Nhiều người quan niệm rằng trẻ ăn xong đi ngoài liền thì bố mẹ khó “ăn nên làm ra” hoặc thậm chí là sau này cuộc đời bé khổ. Tất cả chỉ là phỏng đoán không có căn cứ khoa học, bố mẹ không nên để tâm, hãy chú ý hơn tới sức khỏe của bé thì hơn.
Vừa ăn xong đã đi ngoài có phải là bệnh lý?
Với những bé có thói quen đi ngoài ngay sau khi ăn nhưng hình dạng khuôn phân bình thường, không rắn, không lỏng, không nát và đi ngoài không quá hai lần một ngày thì mẹ không cần lo lắng bởi đây chính là “nhịp sinh học” do chính cơ thể tạo nên. Bé có thể đi ngoài nhiều nhưng không nôn trớ, trong phân không có máu, và không có dấu hiệu mệt mỏi, vẫn bú mẹ bình thường, không bỏ bữa, thì cứ để con đi thoải mái.
Vậy đâu là dấu hiệu bất bình thường?
Mẹ nên lưu ý nếu bé ăn bất cứ thứ gì vào cũng có cảm giác đau bụng đi ngoài và tình trạng này tái diễn thường xuyên thì là lời cảnh báo những tổn thương đang xảy ra ở đường tiêu hóa. Bé đau bụng đi ngoài sau khi ăn kéo dài có thể là dấu hiệu của một trong số những bệnh lý sau:
– Bệnh đường ruột: Có thể đường ruột của bé đang bị viêm hoặc rối loạn, bạn có thể bổ sung thêm men vi sinh, kẽm và vẫn cho bé ăn uống bình thường để cải thiện tình trạng đường ruột.
– Hội chứng ruột kích thích: bệnh gây ra những rối loạn trong chức năng đường ruột với các triệu chứng như khó chịu, đau vùng bụng, nếu mẹ để ý sẽ thấy khi mắc phải hội chứng này thói quen đi cầu của bé và hình dạng khối phân thay đổi.
– Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Triệu chứng chính là đau bụng, bé càng ăn nhiều càng cảm thấy đau. Đường tiêu hóa bị nhiễm trùng khiến chức năng của bộ phận này bị suy giảm, do đó việc đi ngoài của trẻ cũng không kiểm soát được.
– Đau dạ dày: Người đau dạ dày thường có biểu hiện đau bụng khi vừa ăn no. Tuy rất ít trường hợp kèm theo đi ngoài, nhưng với trẻ em thì chúng chưa ý thức được tính chất của cơn đau, cứ thấy đau bụng thì đòi đi ngoài và bố mẹ sẽ không để ý.
– Dị ứng thức ăn: Thức ăn bị dị ứng ở mức độ nhẹ thường gây ra những cơn đau âm ỉ và cảm giác buồn đi ngoài. Có thể những nguyên liệu chế biến món ăn không hợp với cơ thể của trẻ hoặc quá trình chế biến không hợp vệ sinh cũng là nguyên nhân làm trẻ bị đau bụng muốn đi ngoài.
Nếu sau khi ăn bé thường xuyên muốn đi ngoài, bé đi nhiều liên tục, nôn trớ, khiến bé mệt người, sốt; phân quá lỏng hoặc quá đặc kèm theo chất nhầy và máu thì đó là dấu hiệu nguy hiểm mẹ cần cho bé đến bác sĩ để kiểm tra ngay.
Làm gì để bé hết đau bụng đi ngoài sau khi ăn?
Để giúp bé giảm các cơn đau bụng đi ngoài sau khi ăn, trước hết mẹ cần lựa chọn thực phẩm với nhiệt lượng cao, giàu protein và ít lipit, lựa chọn những món ít bã sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa của bé hơn.
Ngoài ra phải đảm bảo khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm để hạn chế tình huống gây hại cho cơ quan tiêu hóa của trẻ.
Mẹ hãy cố gắng tập cho bé thói quen đi ngoài vào một khung giờ cố định cách xa giờ ăn của bé như vậy sẽ hạn chế được tình trạng bé đi ngoài ngay sau khi ăn do thói quen.
Thực phẩm giàu tinh bột sẽ làm giảm cảm giác đau cũng như những đợt đi ngoài do tiêu chảy, ví dụ như khoai tây hay cơm… sẽ là những lựa chọn tốt nhất cho bé.
Những món sinh hơi hoặc kích thích, được làm từ gia vị cay nóng đều làm tăng hoạt động co bóp của ruột, không tốt cho bụng của bé. Mẹ nên hạn chế cho bé ăn các món này.
Thay đổi khẩu phần ăn cho bé nếu thấy bé ăn xong thường đi ngoài luôn (thay đổi loại thức ăn, thay đổi thời gian cho bé ăn, các lượng thức ăn khác nhau). Nếu bé còn bú mẹ thì cũng nên thay đổi khẩu phần ăn của mẹ, tránh các loại thuộc họ cải bắp và hành.
Đối với các bé từ 3 tuổi trở lên mẹ nên tiến hành tẩy giun cho bé để đảm bảo bé có một đường ruột khỏe mạnh.
Nên cho bé đi khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các bệnh đường ruột thường gặp ở trẻ như: tiêu chảy, táo bón, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm tiết niệu, nhiễm giun…
Ngoài ra, để giảm cảm giác đau, đầy bụng và buồn đi ngoài sau khi ăn, mẹ có thể thử vài mẹo nhỏ sau:
Cho 1 muỗng canh mật ong vào một ly nước ấm, khuấy lên cho bé uống trước bữa ăn khoảng một tiếng.
Cho bé uống một tách trà gừng, trà chanh hoặc trà hoa cúc ấm sau khi ăn.
Một cách đơn giản hơn đó là dùng túi chườm nóng lên bụng bé khoảng 15 – 20 phút, biện pháp này cũng giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn và giảm bớt được những cơn co bóp ở thành ruột. Nếu không có túi chườm nóng, mẹ có thể tận dụng một chai nước nóng, quấn thêm một lớp khăn mỏng bên ngoài rồi đắp lên vùng bụng cho bé.
Trẻ bị đau bụng đi ngoài sau khi ăn tưởng rất bình thường nhưng nếu tình trạng này tái diễn thường xuyên và lặp lại chu kỳ mỗi khi ăn xong thì mẹ hãy nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chính xác vấn đề bé đang gặp phải và có hướng xử lý kịp thời.[content_block id=641]