Nuôi con là cả một quá trình. Từ lúc con lọt lòng đến khi con phát triển qua các giai đoạn sau này, người mẹ nào cũng băn khoăn, trăn trở đủ thứ chuyện, nhất là vấn đề ăn uống của con. Gần đây, mẹ Rô nhận được một số câu hỏi giống nhau từ các mẹ, đó là khi nào trẻ được ăn cơm? Nhân tiện mình cũng chia sẻ lên đây để nhiều mẹ cùng tham khảo nhé![content_block id=655]
Khi nào trẻ ăn được cơm?
Đây là câu hỏi làm nhức đầu những người làm mẹ, nhất là các mẹ lần đầu có con. Nếu sống xa ông bà của bé thì luống cuống không biết phải hỏi ai, khi nào mới cho con ăn cơm được. Còn các mẹ sống gần ông bà thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời “cho nó ăn càng sớm càng tốt, cho mau lớn”.
Nếu mình nói là bé còn nhỏ quá chưa có răng sao ăn được cơm thì “ngày xưa tao nuôi cả chục đứa, cho ăn sớm có sao đâu. Chưa có răng thì nhai cho nó ăn”. Thực trạng chung của nhiều mẹ gặp phải đúng không nào?
Ngày xưa khác ngày nay bởi ngày nay mình nuôi con khoa học hơn rồi. Trẻ còn nhỏ thì hệ tiêu hoá của con còn rất yếu, chưa thể nào tiêu hoá nổi cơm đâu.
Theo các bác sĩ, khi con được 19 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho bé ăn cơm dần vì lúc này trẻ đã mọc được ít nhất là 16 răng sữa. Dĩ nhiên lúc đầu chỉ ăn cơm nhão, có thể tán ra, và lượng cơm ăn được không cần phải nhiều.
Khi trẻ đã quen dần với việc ăn cơm thì bắt đầu mẹ không tán cơm nữa, nhưng cơm phải mềm hơn cơm của người lớn ăn hằng ngày. Như vậy khi bé khoảng 24 tháng tuổi thì có thể ăn cơm mềm rồi dần dần tăng độ cứng lên với số lượng bữa ăn mỗi ngày là 3 bữa cùng với bữa cơm của người lớn.
Tuy nhiên, đây là thời điểm thích hợp cho trẻ ăn cơm theo khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng. Mình vẫn có thể điều chỉnh thời gian cho trẻ ăn cơm sớm hơn một vài tháng tuỳ vào nhu cầu của bé, nhưng phải cho trẻ ăn với lượng ít, và cơm thật mềm. Điều này sẽ giúp trẻ không bị chán mà tạo sự hào hứng về sau.
Em bé con hàng xóm nhà mình mới 8 tháng đã ăn cơm rồi mọi người ạ! Thật khó tin đúng không? Ban đầu mình cũng ngạc nhiên lắm, nhưng thấy bé ăn một chén cơm chan với canh bí đỏ một cách ngon lành thì mắt tròn mắt dẹt. Ai cũng khen bé giỏi, mẹ khéo chăm, con mới bé tí mà đã ăn được cơm.
Nhưng thật ra như vậy là sai lầm đấy! Bé dưới 12 tháng tuổi thì hệ tiêu hoá còn rất kém, răng bé thì chỉ mới vài ba cái thôi và còn chưa hoàn thiện. Cho bé ăn cơm quá sớm như vậy sẽ khiến hệ tiêu hoá của bé yếu đi.
Cần làm gì khi trẻ biết ăn cơm?
Việc ăn uống của trẻ con quả thật là một vấn đề nan giải kể từ lúc bé bắt đầu ăn dặm đến khi ăn được cơm. Các mẹ có biết mình nên làm gì vào thời điểm trước khi bé tập ăn cơm và khi bé đã biết ăn cơm không, người lớn chúng ta có cần can thiệp gì không?
Thật ra ngoài trường hợp cho con ăn sớm như câu chuyện em bé hàng xóm nhà mình thì cũng có chuyện trái ngược hẳn. Như nhiều người vì thương con, sợ con ăn cơm sớm sẽ hại đến bao tử, thêm vào đó lúc cho con ăn dặm cứ cháo xay nhuyễn nên bé không tự nhai được. Đến lúc cho ăn cơm thì không ăn được, rồi quay lại ăn cháo tiếp tục. Mãi đến hơn 2 tuổi vẫn chưa thể ăn cơm vì cứng, vì không tự nhai được.
Giai đoạn ăn dặm
Mình rút kinh nghiệm từ hai trường hợp trên, không cho con ăn cơm quá sớm, cũng không quá trễ.
Thứ nhất, lúc bé ăn dặm mình chỉ xay cháo 2 tuần đầu tiên thôi. Sau đó là xay một nửa, rồi trộn với nửa không xay còn lại cho bé ăn. Càng về sau mình càng để nguyên không xay không ray gì hết. Việc này sẽ giúp bé tự nhai, phát triển cơ hàm.
Thứ hai, mình tạo sự đa dạng cho các bữa ăn bằng cách thay đổi món thường xuyên để bé không bị chán ăn.
Thứ ba, mình cho bé tự điều khiển bữa ăn của mình, nghĩa là khi bé được 8 tháng, mình bày đồ ăn ra bàn ăn, các thứ như rau củ hấp, bánh, trái cây cho bé tự bốc lấy. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái khi ăn.
Và các mẹ nên nhớ là mình cho con ăn ở đây giống như tập cho con thôi, đừng bao giờ ép con ăn nhé!
Giai đoạn khi ăn cơm
Lúc bé nhà mình 13 tháng tuổi đã có dấu hiệu muốn ăn cơm rồi mọi người ạ! Cứ tới bữa ăn, ngoài đồ ăn được mẹ bày sẵn, bé còn muốn với cơm của ba mẹ. Thế là mình nấu cơm mềm hơn, nắm từng nắm để con tự lấy ăn. Ăn chẳng được bao nhiêu đâu, nhưng thích thế, bỏ vào miệng nhai nhóp nhép thương lắm.
Nếu bé nhà bạn cũng có các biểu hiện này thì tập cho con ăn cơm được rồi. Không sớm đâu, vì mình không xem trọng con ăn được một chén hay bao nhiêu bữa. Quan trọng là bé hứng thú với bữa ăn.
Lúc con đã tập quen dần với việc ăn cơm thì các mẹ chú ý đến dinh dưỡng bữa ăn cho con nhé! Nhớ bổ sung đầy đủ các nhóm Vitamin, khoáng chất trong các bữa ăn. Bé chỉ cần ăn ít thôi, nhưng đủ chất thì bé sẽ khoẻ mạnh mau lớn thôi.
Lời kết
Ai cũng muốn nuôi con khoẻ mạnh và tăng cân đều đều. Nhưng các mẹ nhớ cho con ăn cơm đúng thời điểm để con phát triển khoẻ mạnh, và nhớ đừng ép con ăn nhé! Nếu nắm vững từng giai đoạn phát triển của trẻ và biết khi nào trẻ ăn được cơm thì việc cho con ăn sẽ nhẹ nhàng thôi! Mình mong rằng bài viết này đã giúp ích được cho các mẹ trong việc xác định thời điểm cho trẻ ăn. Chúc các mẹ nuôi con khoẻ![content_block id=657]