Có con thật tuyệt vời các mẹ nhỉ, từ lúc con còn là một bào thai trong bụng mẹ đến khi con chào đời là cả một quá trình để người làm mẹ hồi hộp ngóng trông. Đến khi con sinh ra lại bắt đầu băn khoăn đủ thứ. Có mẹ nào muốn tìm hiểu khi nào trẻ sơ sinh biết hóng chuyện như mẹ Rô lúc trước không? Mẹ Rô lấy từ chính trải nghiệm của mình và của bạn bè để chia sẻ cho các mẹ cùng biết nhé![content_block id=655]
Giai đoạn sơ sinh
Trẻ sơ sinh là chỉ giai đoạn từ lúc trẻ lọt lòng mẹ đến khi tròn một tháng tuổi. Đây là giai đoạn đầu đời của trẻ nên rất quan trọng trong việc chăm sóc con. Cũng vì vậy mà rất nhiều người lần đầu làm mẹ khá bỡ ngỡ từ việc tắm bé đến dỗ bé. Nhất là giờ bú, giờ ngủ của con chưa ổn định nên mẹ rất vất vả.
Giai đoạn này trẻ vẫn còn ngủ nhiều do chưa quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ, và trẻ cần nhiều sữa mẹ để phát triển. Nếu mẹ không đủ sữa thì có thể bổ sung sữa công thức cho con.
Đến khi trẻ đã quen dần với môi trường mới thì bé sẽ dần phát triển các giác quan nghe, nhìn, bao gồm cả hóng chuyện.
Thế nào là hóng chuyện
“Còn nhỏ thế này đã biết hóng chuyện rồi!” là câu nói mà rất nhiều người mắng yêu trẻ khi trẻ còn giai đoạn sơ sinh. Hóng chuyện ở đây không giống với nghĩa đen mà người lớn chúng ta vẫn hay dùng đâu nhé. Người lớn mà đi hóng chuyện thì xấu lắm, năm ba người túm tụm lại hóng chuyện rồi thành ra nhiều chuyện, tai bay vạ gió cũng từ cái tật hóng chuyện mà ra.
Nhưng trẻ nhỏ thì biết gì. Thật ra hóng chuyện là cách gọi để chỉ biểu hiện trẻ như muốn nói chuyện với người lớn vậy. Mình nói gì với trẻ thì trẻ cũng nhìn vào mặt mình, mắt chăm chăm nhìn, rồi miệng há ra, môi như muốn bập bẹ. Đáng yêu hết sức vậy đó!
Trẻ biết hóng chuyện sớm là một dấu hiệu cho thấy trẻ lanh lẹ, sẽ sớm biết nói? Đó là quan niệm của ông bà ngày xưa thôi các mẹ ạ, chứ thật ra chuyện trẻ biết hóng chuyện sớm hay muộn cũng không ảnh hưởng nhiều lắm đến quá trình trẻ tập nói, nên các mẹ đừng quá lo lắng nhé!
Khi nào trẻ sơ sinh biết hóng chuyện
Thật ra không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này các mẹ ạ!
Mỗi bé sẽ có sự phát triển khác nhau, nên không có một cột mốc cụ thể chính xác để biết khi nào bé hóng chuyện. Nếu mỗi ngày từ khi bé chào đời, mẹ chăm tâm sự, chuyện trò cùng con thì con sẽ nhanh hóng hơn. Có bé mới mười mấy ngày đã hóng chuyện rồi, nhưng cũng có bé qua 20 ngày tuổi vẫn còn “ngoan hiền” lắm.
Không biết bé nhà các mẹ sao, chứ Rô nhà mình 14 ngày tuổi đã bắt đầu hóng chuyện ghê lắm rồi. Ai bế lên mà dịu dàng nói chuyện với ảnh là ảnh bắt đầu ê a rồi nhìn chăm chú vào mặt người đối diện liền. Rồi lúc để nằm trên giường, mẹ nhìn thì cũng nhìn lại, bắt đầu biết cười khoé và huơ huơ tay. Nhìn ảnh cưng hết sức vậy đó, lúc nào cũng như muốn nói chuyện.
Thật ra lúc này trẻ còn khá nhỏ để hiểu hết những gì người lớn nói. Nhưng những lần tiếp xúc giữa bé và người lớn như vậy sẽ giúp bé nhận biết được khuôn mặt, giọng nói của người đối diện, đặc biệt là ba mẹ của bé đồng thời giúp bé sớm phát triển tư duy, trí tuệ.
Nhưng cũng có người bạn của mẹ Rô hôm bữa gởi tin nhắn nói rằng sao em bé của bạn ấy hơn 20 ngày tuổi rồi mà chưa biết hóng chuyện, ai nói gì cũng không có phản ứng, chỉ nhìn thôi. Mẹ chồng của bạn ấy nói cháu đần. Bạn ấy buồn quá không biết bé có bị chậm phát triển không. Nếu mẹ nào có gặp trường hợp như người bạn của mẹ Rô thì cũng đừng nên buồn nhé. Chỉ là bé chưa muốn “nói chuyện” thôi mà. Vài bữa nữa bé sẽ bằng bạn bằng bè thôi, chẳng qua là chậm hơn chút thôi mà.
Nên làm gì khi trẻ biết hóng chuyện
Chia sẻ cho các mẹ một kinh nghiệm nhé. Thật ra lúc mang thai Rô, mẹ Rô có áp dụng thai giáo cho con. Nghe đến thai giáo chắc một số mẹ sẽ cảm thấy nặng nề lắm vì nghĩ rằng sẽ phải thực hiện nhiều việc. Nhưng mình thấy khá đơn giản.
Thế này nhé, khi thai nhi được khoảng 10 tuần tuổi, mình bắt đầu cho con nghe nhạc, nhạc nhẹ thôi các mẹ nhé, nhạc không lời thì càng tốt. Đến tầm 12, 13 tuần tuổi thì mình bắt đầu nói chuyện với con, nói như với một người bạn vậy đó. Cứ xoa nhẹ bụng rồi nói chuyện. Đến khi biết được bé trai hay bé gái thì mình gọi tên con và nói chuyện nhiều hơn nữa, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nói chuyện một lúc rồi cho con nghe nhạc, sau đó hai mẹ con chìm vào giấc ngủ luôn.
Có lẽ như vậy là cách tập luyện tốt nhất cho bé để bé sớm làm quen với âm thanh giọng mẹ. Trộm vía, Rô nhà mình sớm biết hóng chuyện và hóng rất nhiều, còn có biểu hiện như muốn đáp lời mẹ nữa chứ!
Các mẹ lưu ý nhé, nên trò chuyện với con nhẹ nhàng, tâm tình từ khi con còn trong bụng. Đến khi con sinh ra đến giai đoạn biết hóng chuyện thì mình cũng cố gắng nói chuyện cho con nghe. Bồng con lên, ôm vào lòng rồi to nhỏ với con. Nhất định em bé của bạn sẽ cảm nhận được tình yêu thương của mẹ và phát triển tốt hơn đấy!
Lời kết
Không phải đứa trẻ nào cũng có thời điểm phát triển của các giai đoạn giống nhau. Có trẻ biết cái này sớm, có trẻ biết cái kia chậm. Quan trọng nhất vẫn là sự chăm sóc yêu thương từ người lớn, đặc biệt là mẹ để trẻ cảm nhận được sự âu yếm, vỗ về. Trẻ biết hóng chuyện sớm hay muộn gì thì cũng trong giai đoạn sơ sinh thôi, nên mẹ đừng lo là con mình kém phát triển hơn con người khác. Hi vọng với những chia sẻ của mẹ Rô đã giúp các mẹ biết thêm về Khi nào trẻ sơ sinh biết hóng chuyện. Có gì hay, các mẹ đừng quên chia sẻ với mẹ Rô nhé![content_block id=657]