Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng hết sức để bảo vệ làn da và hệ xương khớp non yếu của trẻ. Không phải mẹ nào cũng biết cách tắm cho con chính xác, vì thế không ít người tỏ ra bối rối với điều vân phân tắm cho trẻ sơ sinh như thế nào đúng cách. Với kinh nghiệm đã trải qua, mẹ ku Rô sẽ giúp chị em và gia đình hình dung thật cụ thể về vấn đề tắm cho bé yêu nhé.
Thời gian tắm cho trẻ sơ sinh
Trẻ vừa sinh ra có nên tắm ngay?
Những em bé vừa ra đời hoặc đã được vài tuần tuổi, vài tháng tuổi cho đến dưới 12 tháng tuổi được gọi chung là trẻ sơ sinh. Nói như vậy để các mẹ xác định con mình có thuộc độ tuổi này hay không, từ đó mà tìm thông tin tham khảo cho phù hợp. Nếu các kiến thức được học hỏi không có chọn lọc và không đúng với thời kỳ phát triển của con thì cũng không có hiệu quả gì.
Khi nào thì nên bắt đầu tắm cho trẻ sơ sinh? Việc này có nhiều bố mẹ vẫn còn bối rối. Theo lời ông bà thì ngày xưa khi vừa lọt lòng là trẻ đã được bà mụ cho tắm ngay để trông sạch sẽ và sáng sủa. Hầu như trong buồng đẻ nào cũng đã chuẩn bị sẵn một thau nước để em bé vừa lọt ra là tắm ngay. Tuy nhiên ngày nay thì quan niệm đã khác.
Khác là vì theo xu thế hiện nay, trẻ vừa được sinh ra không nên được tắm ngay mà cần để đến vài ngày cho bé cứng cáp một chút mới tắm. Vả lại cơ thể bé thật ra cũng không bẩn gì, nên việc tắm ngay không cần thiết. Cũng như dây rốn chưa vội cắt ngay cũng không sao.
Hơn nữa tắm sớm đôi khi lại hại chứ không lợi. Trong những giờ đầu tiên sau khi được sinh ra, trẻ cần được bảo vệ lớp da tự nhiên, có tên gọi là chất vernix. Nếu loại bỏ lớp trắng này quá sớm thì hệ miễn dịch của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bên cạnh đó, lớp nước ối còn dính lại trên người trẻ cũng có tác dụng sản xuất vitamin K, nếu tắm đi mất thì không nên. Ngoài ra, tiếp xúc với nước nhanh quá khiến nhiệt độ cơ thể bé thay đổi đột ngột không tốt cho sức khỏe.
Nên tắm cho trẻ tần suất như thế nào?
Qua những ngày đầu tiên, bé bắt đầu được bố mẹ tắm cho. Bạn không cần tắm nhiều lần cho con. Không cần phải tắm trẻ hàng ngày vì mẹ đã lau chùi khu vực tã lót cẩn thận mỗi lần con đi vệ sinh.
Trong khoảng 12 tháng tuổi đầu đời, trẻ chỉ cần được tắm khoảng 4 lần mỗi tuần là đủ rồi. Nếu tắm nhiều lần quá thì da bé dễ bị khô ráp, thậm chí sinh ra các vấn đề khác. Nếu mùa đông lạnh thì nên tăng độ ấm của nước tắm hoặc có thể dùng khăn ướt sạch, mềm mại lau người cho bé cũng được.
Nên tắm cho trẻ trong bao lâu?
Nếu sức khỏe bé bình thường, thời gian tắm thích hợp cho mỗi lần là khoảng 5 phút. Các mẹ đừng tắm cho con quá lâu vì thể trạng bé không giống như người trưởng thành. Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị nhiễm lạnh lắm nhé.
Vào mùa lạnh, nên tắm trẻ nhanh hơn và lau người thật khô trước khi mặc đồ. Áo chọn cho bé mặc cũng thoáng, vừa phải và đủ để giữ ấm, quan trọng là loại vải dễ thấm rút mồ hôi.
Hướng dẫn cách tắm cho trẻ sơ sinh
Chuẩn bị
Đầu tiên, hãy chuẩn bị tất cả các dụng cụ cần thiết để tắm cho trẻ. Thông thường nhà có trẻ sơ sinh thì mẹ cần sắm đủ trước đó để không bị bối rối vì thiếu trước hụt sau khi sinh xong nhé. Dụng cụ để tắm trẻ bao gồm thau tắm, cốc nhựa, khăn mềm để quấn, khăn lau, lưới tắm, xà phòng loại chuyên dụng. Nếu gia đình có bồn tắm riêng cho em bé thì không cần thau.
Cho trẻ tắm trong phòng, không có gió trời và điều hòa, hạn chế bật quạt điện. Nhiệt độ phòng thích hợp là khoảng 32 – 34 độ C. Nước tắm cần đủ ấm dù là mùa hè nóng nực. Mẹ có thể dùng cùi chỏ để thử nhiệt độ nước. Nên nhớ là Đài Loan của trẻ còn non yếu các mẹ nhé.
Các bước tắm trẻ đúng cách
Bước 1: Lau sạch đầu và mặt
Nếu mẹ tắm trẻ 1 mình mà không có người nhà phụ thì hãy kẹp bé vào bên hông để cố định cơ thể bé. Khăn được thấm nước ấm, vắt không quá khô. Dùng tay đỡ dưới gáy bé cẩn thận, sau đó mẹ nhẹ nhàng lau bằng khăn từ hướng mắt của bé ra ngoài.
Tiếp đến là đầu, mẹ cho sữa tắm lên xoa đều, dùng ngón tay massage nhẹ nhàng vừa phải quanh đầu trẻ. Nhớ chọn loại sữa tắm dịu nhẹ, không cay mắt để tắm trẻ mẹ nhé. Sau khi gội, mẹ di chuyển bàn tay từ từ để bịt tai bé lại, sau đó múc nước dội chậm rãi lên để đầu tóc bé sạch sẽ. Cuối cùng, lau lại mặt và đầu bé bằng khăn khô, mềm.
Bước 2: Thoa sữa tắm toàn thân cho bé
Mẹ để trẻ trên lưới tắm rồi làm ướt, thoa sữa tắm khắp người từ cổ xuống. Đặc biệt chú ý các chỗ như cổ, kẽ tay, nách, bẹn. Massage nhẹ nhàng khắp nơi để làm sạch cho bé. Khi tắm như vậy, mẹ dùng tay ngiêng bé sang từng bên lần lượt cho đều.
Đa số trẻ rất thích được massage vì việc này tạo cảm giác dễ chịu. Các mẹ cần chú ý đừng để nước sữa tắm bắn vào mắt trẻ nhé.
Bước 3: Xả sạch sữa tắm bằng nước
Sau khi tắm với sữa tắm cho trẻ, hãy đặt bé vào thau nước để dội cho sạch. Mẹ một tay đỡ vai, cổ, đầu của trẻ, còn tắm bằng một tay. Trước tiên là phần trước bụng, sau đó mẹ lật bé úp lại cho nghiêng trên cánh tay và tắm phần lưng cho bé.
Nếu cần thiết, mẹ hãy thay một thau nước mới cũng có nhiệt độ tương tự để tắm cho trẻ hết sạch sữa tắm, không còn trơn nhớt là được.
Bước 4: Lau khô sau khi tắm bé
Tắm cho trẻ xong, mẹ nhấc ra ngoài và đặt vào khăn lông, sau đó nhẹ nhàng lau khô. Lau xong, mẹ nhanh chóng đóng tã (có thể không), mặc quần áo và đi tất chân, tay vào cho bé. Nếu thời tiết mùa hè nóng bức và mẹ cảm thấy không cần thiết thì cũng không nhất định phải đi tất cho bé đâu nhé.
Đối với các bé mới được vài ngày tuổi thì việc giữ ấm cần chú ý nhiều hơn. Bạn đừng nên cho con ngâm nước quá lâu, mà tắm xong cũng lau và mặc đồ thật nhanh để bé không bị lạnh.
Nên tắm trẻ với lá gì?
Ngoài những vật dụng để tắm trẻ thông thường thì nhiều mẹ trẻ đã biết đến các loại lá trong thiên nhiên rất tốt để làm nước tắm cho trẻ. Tuy nhiên bạn nên tìm hiểu để xem lá nào hợp với thể trạng và làn da của con mình, kẻo gặp phải biến cố ngoài ý muốn. Sau đây mình sẽ gợi ý cho các mẹ một số loại lá cây thường được tin dùng trong việc nấu nước tắm trẻ. Mấy lá này còn có tác dụng ngăn ngừa hoặc trị bệnh rất hay.
Lá chè xanh
Lá chè xanh có chứa chất catechin tốt cho da của bé trong việc điều trị rôm sảy. Bởi vậy nước được nấu từ loại lá này được xem là vị cứu tinh cho những ngày nắng nóng, đặc biệt là đối với những bé hay bị chứng nổi mẩn, rôm sảy.
Cách tắm trẻ với lá chè xanh:
– Chuẩn bị khoảng 300g lá chè xanh, rửa sạch, vò nát và đun sôi lên.
– Để nguội khoảng 30 độ C rồi tắm cho bé.
Lưu ý:
Các mẹ nhớ chọn những lá chè không sâu, không úa, phải rửa thật sạch. Để đảm bảo an toàn cho da trẻ, mẹ hãy thử chà một chút nước lên vùng da nhỏ để quan sát xem có dị ứng gì không, sau đó mới tắm nhé. Đặc biệt, những bé đang có vấn đề về trầy xước cũng không nên tắm lá chè xanh.
Mướp đắng
Mướp đắng (khổ qua) có tác dụng trong việc kháng khuẩn, diệt virus và ngăn ngừa các bệnh về da rất hiệu quả. Trong dân gian, mướp đắng được ví như một loại vacxin để da giải độc.
Cách tắm trẻ bằng mướp đắng:
– Xay 1 hoặc 2 quả mướp đắng đã rửa sạch, pha vào nước ấm.
– Đặt thau nước vào phòng kín gió và bắt đầu tắm như cách thông thường.
– Tắm lại bằng nước sạch sau đó.
Lưu ý:
Mướp đắng có thể nhiễm thuốc trừ sâu và lông trên quả mướp cũng gây ngứa da cho trẻ. Do đó bạn cần rửa thật kĩ, nên vài hạt muối để khử độc. Đối với trường hợp bé đang bị viêm da nặng, sưng đỏ, mưng mủ,… thì không nên tắm bằng mướp đắng.
Lá kinh giới
Các hoạt chất sinh học có trong lá kinh giới giúp sát khuẩn, cho bé một làn da mịn màng, láng mịn. Lá này có mùi thơm dễ chịu và có tinh dầu, cũng góp phần trị mụn nhọt trong mùa hè cho trẻ.
Cách tắm cho bé bằng lá kinh giới:
– Xay nhuyễn một nắm lá kinh giới đã rửa sạch, vắt lấy nước để tắm cho bé.
– Cho nước lá vào thau nước ấm, tắm cho bé nhẹ nhàng.
– Tắm lại bằng nước sạch và lau khô cho trẻ.
Lưu ý:
Không nên lạm dụng, tắm bằng lá kinh giới hàng ngày cho trẻ. Nếu muốn trị rôm sảy, mụn nhọt và tắm cho mát thì mỗi tuần chỉ nên dùng khoảng 2 lần mẹ nhé. Quan trọng nữa là lần đầu tắm cho trẻ nên thử xem bé có bị dị ứng với nước lá này không.
Lá ngải cứu
Không chỉ nổi tiếng với công dụng thần kỳ đối với sức khỏe sinh lý của chijem phụ nữ mà lá kinh giới còn có hiệu qủa trong việc bảo vệ làn da. Cụ thể, nếu tắm trẻ bằng lá ngải cứu thì có thể ngăn ngừa chàm, mụn nước và viêm da. Bên cạnh đó, đây cũng là cách giải cảm được dân gian tin dùng.
Cách tắm cho bé bằng lá ngải cứu:
– Cho một ít lá ngải cứu đã rửa sạch, thái nhỏ vào đun sôi cho đến khi tiết ra nước màu vàng.
– Pha nước đó với 5 lít nước ấm vừa phải, thêm vài hạt muối rồi tắm cho trẻ.
– Tắm lại bằng nước ấm sạch.
Lưu ý:
Ngải cứu thường mọc ở nơi nước bẩn và chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh, do đó cần rửa thật sạch trước khi nấu nước tắm cho trẻ. Không nên vắt chanh, bỏ quá nhiều muối vào nước tắm của bé. Nên tắm lá ngải cứu vào những ngày mùa đông.
Lá khế
Lá khế có tính chất thanh nhiệt, tắm cho trẻ có thể giúp chữa trị các triệu chứng của phong, ngứa, mẩn đỏ. Trẻ sơ sinh thường bị rôm sảy trong những ngày nóng. Nhiều bố mẹ đã tin dùng lá khế, nấu nước tắm để hạn chế các vấn đề này. Nếu trong vườn nhà bạn có cây khế thì ngại gì không thử?
Cách tắm cho bé bằng lá khế:
– Ngâm lá khế với nước muối loãng, rửa sạch rồi cho vào nồi nước đun lên.
– Nước nguội thì lọc lấy phần nước, bỏ bã.
– Lấy nước đó tắm cho trẻ, nhớ pha thêm nước để nhiệt độ vừa phải.
– Tắm lại bằng nước sạch.
Lưu ý:
Để đảm bảo có lá khế sạch, an toàn không hóa chất, các mẹ nên tìm lá trong vườn nhà, không nên mua ngoài chợ nếu không cần thiết. Ngoài ra, không nên lạm dụng lá khế để tắm cho trẻ vì trong lá khế có chất nhựa , tắm nhiều sẽ làm da trẻ bị xỉn màu.
Nước dừa
Nhiều người cho rằng tắm nước dừa giúp trẻ có làn da trắng trẻo, mịn màng. Thực tế thì thứ nước này chỉ có tác dụng dưỡng da cho sạch khỏe thôi các mẹ nhé. Nếu trẻ sơ sinh mới được hai tháng tuổi thì nên tắm bằng nước đun sôi để nguội là tốt nhất.
Có nên tắm nước dừa cho bé?
Thật ra, việc tắm nước dừa cho bé được cho là phản khoa học. Nước dừa có tác dụng dưỡng da những chỉ qua mấy lần đầu, về sau thường xảy ra biến chứng. Nếu tắm thường xuyên thì mẹ vô tình tạo nguy cơ bít lỗ chân lông, gây kích ứng da ở bé. Lượng chất béo, đường trong nước dừa bám vào da bé nếu không được làm sạch sẽ dần biến chất gây nhiễm trùng.
Lá riềng
Lá riềng rất lành tính, được nhiều mẹ dùng để tắm cho trẻ với mục đích chữa mụn kê. Trong lá riềng có chất kháng sinh tự nhiên sẽ giúp làm sạch da, kháng khuẩn, chống rôm sảy.
Cách tắm cho bé bằng lá riềng:
– Lấy khoảng 300g lá riềng tươi, cọ sạch phần lông bám ở lá rồi đun sôi.
– Tắm cho bé bằng nước vừa nấu sau khi đã pha với nhiệt độ thích hợp.
– Tắm lại bằng nước ấm sạch.
Lưu ý:
Tắm cho bé bằng lá riềng khoảng 2 lần mỗi tuần cho đến khi hết mụn kê trên da. Nếu có bất kỳ biểu hiệ bất thường nào trên da bé thì mẹ nên ngưng lại và đưa bé đi khám.
Lá sài đất
Đây cũng là một trong những loại lá có tác dụng trị rôm sảy rất tốt. Tuy nhiên ít ai dùng đến vì lá sài đất không phổ biến nhiều hiện nay. Một số vùng nông thôn, các bà mẹ tin dùng sài đất để tắm cho trẻ, làm sạch da và kháng khuẩn.
Cách tắm cho bé bằng lá sài đất:
– Rửa sạch và vò nhàu lá sài đất, cho vào nồi nước đun sôi.
– Lấy nước lá tắm cho trẻ, có thể thêm vài hạt muối.
– Trong quá trình tắm, dùng khăn nhúng vào nước lá, lau kĩ những chỗ bị rôm sảy, mụn nhọt.
Ngoài việc nấu nước lá của những loại cây kể trên để tắm cho trẻ, bạn cũng có thể chọn mua những loại sữa tắm có tinh chất chiết xuất từ chúng với các hiệu quả tương tự. Nhưng cần phải cẩn thận khi kiểm tra chất lượng, xuất xứ của sản phẩm nhé.
Một số lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà
Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc đơn giản nhưng đòi hỏi bố mẹ phải thật kĩ lưỡng. Sức khỏe và sự an toàn của bé có thể bị đe dọa nhiều khi chỉ vì những lý do tưởng chừng không ai nghĩ đến. Vì thế hãy hết sức lưu ý với các vấn đề dưới đây.
Trẻ bị sổ mũi có nên tắm không?
Những ngày thời tiết thay đổi, trẻ thường bị ho, sổ mũi và nhiều bố mẹ lo ngại, không dám tắm cho con. Thật ra bạn không biết khi nào trẻ hết bệnh, nếu không tắm trong nhiều ngày sẽ dẫn đến vấn đề khác như viêm da, nổi mẩn ngứa,… cho bé.
Không nên tắm bằng nước lạnh khi trẻ bị sổ mũi, và tuyệt đối không cho trẻ ngâm trong nước quá lâu. Bạn có thể pha nước ấm, cho trẻ tắm khoảng 2 phút, sau đó lau thật khô với khăn bông. Sau khi tắm hãy nhớ mặc đồ đủ ấm cho bé nhé. Những ngày trời lạnh thì chỉ cần nhúng khăn vào nước ấm và lau cho trẻ là được.
Có nên tắm cho trẻ sau khi tiêm phòng?
Vừa tiêm phòng về, không nên tắm cho trẻ ngay vì như vậy rất dễ bị nhiễm trùng. Do vị trí tiêm là một vết thương hở, mặc dù rất nhỏ nhưng cũng dễ dàng cho vi trùng xâm nhập vào gây hại. Bên cạnh đó, sau khi tiêm phòng trẻ hay bị sốt. Bố mẹ nên theo dõi và hạn chế tắm cho bé sớm quá.
Nếu sức khỏe của bé bình thường, không bị sốt hay biến chứng gì sau khi tiêm phòng thì bạn có thể yên tâm tắm cho con sau khoảng vài giờ. Nhưng để an toàn hơn nữa thì nên để qua một ngày.
Trẻ bị sốt có nên tắm không?
Nhiều bố mẹ không tắm cho trẻ khi bị sốt, nhưng cách làm này không đúng. Thực tế thì tắm đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh hạ sốt, khỏe lại. Tuy nhiên cần lưu ý phương pháp như sau:
– Tắm cho bé ở phòng kín gió, đóng cửa.
– Pha nước với nhiệt độ phù hợp. Nếu thân nhiệt bé là 39 độ thì nước khoảng 37 độ C.
– Tắm nhanh, không quá 5 phút, sau đó lau thật khô người cho bé.
– Sau khi tắm, hãy mặc đồ thoáng mát và chất liệu vải phải thấm mồ hôi tốt.
Nếu bạn không muốn tắm vì sợ trẻ dễ nhiễm bệnh thì có thể dùng khăn thấm nước ấm để lau cho bé. Nên chú ý những chỗ quan trọng như bẹn, nách, cổ, lưng.
Qua tất tần tật kinh nghiệm được chia sẻ trên đây, hẳn là các ông bố bà mẹ của chúng ta đã nắm được tắm cho trẻ sơ sinh như thế nào đúng cách rồi nhỉ. Chúc bạn chăm bé thật khỏe mạnh nhé.